Cây cảnh không chỉ là một vật để trang trí mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên không gian sống và mang lại sự cân bằng và hài hòa cho môi trường xung quanh của chúng ta. Trong nghệ thuật cây cảnh, bốn yếu tố Cổ – Kỳ – Mỹ – Văn được coi là những tiêu chí quan trọng để đánh giá một cây như thế nào là đẹp. Trong bài viết này, Toàn JP sẽ giải thích chi tiết về ý nghĩa của Cổ – Kỳ – Mỹ – Văn trong nghệ thuật cây cảnh.

Cổ - Kỳ - Mỹ - Văn
Cổ – Kỳ – Mỹ – Văn

Đánh giá một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật giúp người trồng biết cây của mình đẹp ở đâu, chưa đẹp ở đâu. Cũng như người thưởng ngoạn biết được vẻ đẹp của cây thì mới thỏa mãn được nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ.

YẾU TỐ “CỔ” TRONG NGHỆ THUẬT CÂY CẢNH

Tiêu chí đầu tiên trong 4 tiêu chí đánh giá cây cảnh nghệ thuật đó là yếu tố “Cổ”, tức cổ thụ, thường là cây lâu năm đã đạt đến sự cổ lão. Trong yếu tố “Cổ” thì thường gặp hai trường hợp là cổ lão nhân tạo và cổ lão tự nhiên.

  • Cổ lão nhân tạo

Cổ lão nhân tạo là do tác giả dùng biện pháp kỹ thuật làm cho vỏ thân cây trở nên sần sùi, u bướu, sứt sẹo, hang hốc, rêu mốc. Đây là những việc làm mà nếu khéo léo thì cũng đạt được hiệu quả nghệ thuật rất cao. Nhưng dễ nhận ra bởi cây không có sự cổ lão đồng bộ, mà chỉ có cổ lão ở những bộ phận có thể tác động bằng kỹ thuật mà thôi.

  • Cổ lão tự nhiên

Yếu tố thứ hai trong cổ mộc đó là cổ lão tự nhiên. Cổ lão tự nhiên là do thời gian cây đạt đến cổ lão đồng bộ. Từ những rễ lộ trên mặt đất đến thân cành nhánh đều có sự già nua đồng bộ, đồng màu. Cây trải qua năm tháng được cắt tỉa và bấm sửa nhiều lần. Nên các đốt của cành nhánh, lá cũng tự thu nhỏ lại một cách tự nhiên, dù lá to như đa, đề hay lá nhỏ như tùng la hán. Toàn cây mang dáng vẻ đầy phong sương và năm tháng.

Cây cổ lão tự nhiên quý hơn nhiều so với cây cổ lão nhân tạo. Nghệ thuật cùng thời gian góp phần rất quan trọng làm nên giá trị của cây cảnh nghệ thuật.

Cổ - Kỳ - Mỹ - Văn
Cổ – Kỳ – Mỹ – Văn

YẾU TỐ “KỲ” TRONG NGHỆ THUẬT CÂY CẢNH

Tiêu chí thứ hai trong đánh giá cây cảnh nghệ thuật đó là yếu tố “Kỳ”. “Kỳ” là yêu cầu chung trong cây cảnh nghệ thuật. Có kỳ mới làm cho cây cảnh thoát ra khỏi sự chân phương và đơn điệu, mới tạo nên một “Kỳ” mộc. Kỳ là là những đường nét vặn xoắn, đột ngột và dị thường từ những chiếc rễ nổi trên mặt đất đến gốc, thân, cành của cây.

Yếu tố “Kỳ” cũng do 2 khả năng:

  • Thứ nhất là do cây bị tác động bởi các yếu tố thiên nhiên hay môi trường sống khắc nghiệt tạo ra. Các nghệ nhân khai thác và vận dụng nó một cách hợp lý để phô diễn ra vẻ đẹp của cây. Những yếu tố “Kỳ” đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao.
  • Tiếp theo là con người tạo ra từ một cây cảnh bình thường hoặc rất khó xử lý. Người nghệ nhân có tư duy, nắm vững đặc tính cỏ, có kỹ thuật vững tay mới có thể tạo nên những đường nét kỳ lạ, độc đáo cho rễ, cho thân cây. Tạo tổng thể đặc sắc làm nên vẻ đẹp kỳ thú cho cây mà ngay cả những biến cố tự nhiên cũng không tạo ra được. Sự kỳ lạ nhân tạo cũng được đánh giá rất cao trong nghệ thuật cây cảnh.

Vì vậy, “Kỳ” trong tiêu chí đánh giá cây cảnh nghệ thuật có 3 khía cạnh. Đó là kỳ lạ, kỳ công và kỳ thú.

  • Một là sự kỳ lạ. Lạ thường do thiên nhiên và năm tháng tạo nên.
  • Hai là sự kết hợp giữa tự nhiên và con người. Với sự kỳ công tài hoa của người nghệ nhân biến dị thường đó thành tác phẩm cây cảnh nghệ thuật mang tính độc đáo.
  • Đem đến sự kỳ thú cho người thưởng ngoạn, đó là điều thứ ba.
Cổ – Kỳ – Mỹ – Văn

YẾU TỐ “MỸ” TRONG NGHỆ THUẬT CÂY CẢNH

Tiêu chí thứ ba trong đánh giá cây cảnh nghệ thuật đó là “Mỹ”. “Mỹ” là vẻ đẹp tổng thể của cây cảnh nghệ thuật. Chính là hình dáng của cây phải bắt mắt, nhìn qua đã có thể gây được ấn tượng, tạo được xúc cảm mạnh mẽ cho người thưởng ngoạn. Hình phải tôn được giá trị của cái “Cổ”, cái “Kỳ”. Đã có “Cổ” và “Kỳ” nhưng tạo hình tổng thế yếu thì giá trị của cây cảnh nghệ thuật cũng bị giảm đi rất nhiều.

Trong thực tế, người ta sẽ nhìn tổng thể xem hình dáng cây có đẹp không, sau đó mới đi vào các chi tiết có “Kỳ” và “Cổ” hay không. Nếu cây đạt ba tiêu chí Cổ – Kỳ – Mỹ thì chắc chắn là một tác phẩm nghệ thuật đẹp.

“Mỹ” là vẻ đẹp tổng thể của cây cảnh nghệ thuật, là sự hài hòa tổng thể từ lớp rễ, thân, cành, là và sự hài hòa giữa cây và không gian xung quanh. Chúng làm cho ta vừa nhìn thấy đã có ấn tượng tốt ngay từ đầu, tạo được xúc cảm về mặt thẩm mỹ. Hình dáng phải tôn được “Cổ” và “Kỳ”. Đã có “Cổ”, có “Kỳ” nhưng hình dáng tổng thể không hài hòa, không hoàn chỉnh, không khỏe khoắn, không bắt mắt thì giá trị thẩm mỹ cũng kém đi nhiều. Nếu hội tụ đủ Cổ – Kỳ – Mỹ thì đương nhiên cây cảnh nghệ thuật sẽ hàm chứa được rất nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Trước đây, cây cảnh nghệ thuật là báu vật của các bậc vua chúa, quan lại, các phú hào địa chủ và của các đại gia độc quyền thưởng ngoạn. Thì ngày nay, cây cảnh nghệ thuật là sở hữu của riêng từng người, nhưng ai cũng có quyền thưởng ngoạn chúng tại tư gia, nơi công sở hay các cuộc triển lãm.

“Nghệ thuật vị nhân sinh”, cái đẹp là của chung cho mọi người. Biết quý trọng, nâng niu và thưởng thức cái đẹp là biết quý trọng và hưởng thụ cuộc sống. Làm cuộc sống và tâm hồn của chúng ta mãi mãi tươi trẻ và thăng hoa.

Cổ - Kỳ - Mỹ - Văn
Cổ – Kỳ – Mỹ – Văn

YẾU TỐ “VĂN” TRONG CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT

Tiêu chí thứ tư trong đánh giá cây cảnh nghệ thuật đó là “Văn”.

“Văn” được hiểu nôm na là tính văn học trong thi ca nhạc họa. Để có những tác phẩm hay và đẹp, mọi bộ môn nghệ thuật đều phải có chất văn. Bởi “Văn” là tâm hồn, là trí tuệ của người làm nghệ thuật. Ngoài ra, “Văn” còn là tính văn hóa trong nhiều khía cạnh của đời thường, gọi chung là tính nhân văn.

Còn “Văn” trong cây cảnh nghệ thuật đó là ý tưởng của người nghệ nhân mang lại hồn cho cây, mang lại hồn cho tác phẩm. Là tính nhân văn trong mọi lĩnh vực của nghề cây. Trong một tác phẩm nghệ thuật, “Văn” thường gắn liền với ba yếu tố Cổ – Kỳ – Mỹ. Bởi nếu thiếu sẽ làm tác phẩm trở nên vô hồn, dù có cầu kỳ đến mấy cũng sẽ giảm tính thuyết phục khi thưởng ngoạn, mất đi phần nào sự sinh động của tác phẩm. “Văn” trong lĩnh vực cây cảnh nghệ thuật thường làm cho người nghệ nhân và người thưởng ngoạn dễ đồng cảm và gần gũi nhau hơn.

Có những tác phẩm, chỉ nhìn một là là thu hút mãi không quên, đó người ta gọi là hồn của tác phẩm, là “Văn” trong nghệ thuật. Tuy “Văn” đứng cuối trong bốn yếu tố Cổ – Kỳ – Mỹ – Văn, nhưng nó bao trùm toàn bộ ý nghĩa. Bởi nó là xuất phát điểm để tạo nên được một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật Cổ – Kỳ – Mỹ – Văn đúng nghĩa.

KẾT LUẬN

Bốn yếu tố Cổ – Kỳ – Mỹ – Văn nói qua chỉ đơn giản thế thôi, nhưng mà có khi cả một đời người tìm tòi, học hỏi, trăn trơ và chế tác mong đạt được mà vẫn mãi chẳng thành. Đời người thì mong manh, nghệ thuật thì vĩnh cửu.

———

Lưu ý: Trên đây chỉ là những ý kiến chủ quan mang tính tham khảo. Mỗi người sẽ có cách hiểu và lý giải khác nhau.

CÁC DỰ ÁN KHÁC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo Nhathuocz159

0985.417.272

hotline
Đặt lịch thăm vườn